HIỆU QUẢ CỦA MÔ HÌNH CẤY LÚA BẰNG PHƯƠNG THỨC
MẠ KHAY, MÁY CẤY TRONG PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP
Từ ngày 11 đến ngày 13/02, Hội Nông dân xã phối hợp Sở khoa học và Công nghệ tỉnh Hưng Yên và Đại diện Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm Việt Nam tổ chức trình diễn cấy lúa bằng phương thức mạ khay, máy cấy cho hội viên, nhân dân tại các thôn Dị Chế, Chế Chì và Đa Quang.
Các khay mạ được lãnh đạo UBND xã Dị Chế kiểm tra chất lượng trước khi đưa xuống cấy máy tại cánh đồng thôn Đa Quang
Vụ Xuân năm 2024, theo sự chỉ đạo của Đảng ủy, UBND, Hội Nông dân xã Dị Chế phối hợp cùng với Sở khoa học và Công nghệ tỉnh Hưng Yên và Đại diện Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm triển khai mô hình mạ khay, cấy máy với diện tích gần 30ha, tăng lên gần 20ha so với các vụ trước, chiếm gần 10% tổng diện tích gieo cấy.
Những năm trước đây, nông dân áp dụng phương pháp gieo sạ tuy có nhanh nhưng mất rất nhiều công tỉa dặm và tốn nhiều tiền mua thuốc diệt cỏ, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và môi trường. Qua 3 năm thử nghiệm áp dụng phương pháp mạ khay, cấy máy, các hộ nông dân đều có những phản hồi tốt về ưu điểm của cấy máy như: không mất nhiều công chăm sóc, không phải sử dụng thuốc diệt cỏ mà lúa cỏ, lúa ma không thấy xuất hiện, chi phí sản xuất giảm được gần 200.000 đồng/sào.
Đại diện Sở khoa học và Công nghệ tỉnh Hưng Yên và Đại diện Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm cùng Đảng ủy, UBND xã Dị Chế thăm mô hình tại cánh đồng Thung thôn Đa Quang.
Vụ xuân năm nay, toàn bộ diện tích cấy máy đều sử dụng các giống lúa như TBR225, Hà Phát 3, Gia Lộc 516. Máy cấy được sử dụng trình diễn là loại máy Kubota của Nhật được thiết kế đơn giản, sử dụng động cơ xăng, vận hành rất dễ và tốt trên ruộng có nền đất lúa, có thể vận chuyển một cách nhanh chóng từ nơi này đến nơi khác, dễ sử dụng, vận hành nhẹ nhàng, trên một đường chạy với 6 hàng cấy cố định, khoảng cách các hàng là 20cm. Ngoài ra, độ cấy nông sâu và số rảnh, số khóm cũng có thể điều chỉnh được để cho phù hợp với từng đồng đất. Máy khi vận hành chỉ cần 02 người để điều chỉnh hoạt động, năng suất gấp nhiều lần so với công cấy tay.
Ưu điểm của máy cấy so với cấy thủ công là bảo đảm hàng và khoảng cách cấy, cân đối không khí và ánh sáng mặt trời, tiết kiệm giống bảo đảm thời vụ, mạ gieo từ 10 đến 15 ngày có thể cấy được. Chi phí cho cấy máy từ 240.000 đến 320.000/công. Ngoài ra, sản xuất mạ khay cũng giảm từ 30 đến 50% chi phí so với gieo mạ thông thường, cây mạ tốt hơn đồng thời giảm nhiều diện tích gieo mạ, dễ vận chuyển.
Mô hình trình diễn máy cấy lúa được triển khai thực hiện trên địa bàn xã đã mang lại hiệu quả, góp phần giải quyết tình trạng thiếu nhân công lao động, giảm lao động nặng nhọc, giảm thất thoát trong sản xuất lúa, giảm giá thành sản xuất cho người trồng lúa. Đồng thời, việc triển khai mô hình máy cấy là một bước tiến trong chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, góp phần tích cực vào thực hiện chủ chương đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nông dân./.
Bài và ảnh: Hoàng Văn Quân – Chủ tịch Hội ND xã